Sau 15 năm, cá tra xuất khẩu vào Mỹ trở lại với tên gọi catfish

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ giám sát cá da trơn, cá tra với một tên gọi thống nhất là catfish.

Theo đó, cho đến khi quyết định trên có hiệu lực, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn chịu sự kiểm tra của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA); còn sau thời điểm 1/9, USDA sẽ làm thay công việc này của FDA, kiểm tra tất cả các khâu của chuỗi sản xuất ở Việt Nam, từ khi ươm trứng cho đến sản phẩm đóng gói cuối cùng.

Trước đó, Vasep cũng đăng tải thông tin cho thấy, trong phiên điều trần ngày 7/12/2016 tại Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ, từ các ý kiến đưa ra cho thấy, quyết định của Quốc hội Mỹ về việc chuyển giao trách nhiệm thanh tra cá da trơn từ FDA sang USDA bị chỉ trích mạnh mẽ vì nó gây lãng phí tiền của và nguồn lực.

Các công ty nhập khẩu, chế biến thủy sản Mỹ cho biết, họ đang phải tuân thủ theo quy định của FDA cho các mặt hàng thủy sản khác, giờ lại phải điều chỉnh lại cơ sở chế biến theo quy định của USDA cho riêng mặt hàng cá tra thì sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho công ty.

Giới doanh nghiệp nhập khẩu cũng cho rằng, Canada, nước phát triển gần bằng với Mỹ, phải mất 6-7 năm để có thể đạt được tiêu chuẩn của thịt nhập khẩu vào Mỹ theo quy định của USDA. Như vậy đặt ra câu hỏi Việt Nam sẽ phải mất bao lâu để làm được việc này?

Tuy nhiên, theo đánh giá của SeafoodSourse, 90% cá tra bán tại Mỹ là nhập khẩu từ Việt Nam. Kiểm tra tăng cường có thể được xem như một cách hợp lý nhưng phải nhấn mạnh rằng, cá tra Việt Nam đã được bán thành công tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 10 – 15 năm vừa qua và chưa có trường hợp nào cá tra gây hại cho người tiêu dùng Mỹ.

Bên cạnh đó, ngành cá tra Việt Nam có lẽ là ngành công nghiệp thủy sản được quy định chặt chẽ nhất trên thế giới. Các trại nuôi được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập và có uy tín như: ASC, BAP và Global G.A.P…trong khi các nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam lại đáp ứng tiêu chuẩn HACCP cũng như các chứng nhận IFS và BRC. Gần như tất cả đã được chấp thuận để xuất khẩu cá tra sang EU, thị trường có tiêu chí nhập khẩu rất nghiêm ngặt.

Catfish vốn là tên chung của tất cả các loài cá da trơn. Tuy nhiên, vào năm 2002, phía Mỹ đã yêu cầu phía Việt Nam không được sử dụng tên catfish ghi trên bao bì khi xuất khẩu vào thị trường này. Vào thời điểm trên, khi Việt Nam xuất khẩu nhiều cá tra vào Mỹ dưới tên catfish, đã xảy ra một cuộc tranh luận trên báo chí Việt Nam và Mỹ. Sau đó, buộc lòng các doanh nghiệp Việt Nam khi bán cá tra vào thị trường nước này phải đổi tên thành pangasius pish, cá ba sa thì có tên pangasius basa.

Tại thời điểm những năm 2000, chiến dịch chống lại việc nhập khẩu cá tra và ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ từng diễn ra gay gắt đến mức một số người Mỹ gọi đó là “chiến tranh catfish”.

Lớn tiếng nhất trong cuộc chiến catfish thời điểm đó là Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA). CFA đại diện cho giới chủ trại nuôi cá giàu có ở bang Mississippi và một số bang miền nam nước Mỹ. Các chủ trại nuôi cá nheo đã dày công đưa con cá nheo thành một loại thực phẩm được bán rộng rãi trên thị trường Mỹ, xếp thứ năm trong số các loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất. Chính vì vậy, họ rất tức tối khi những sản phẩm cá da trơn được nhập từ nước ngoài có phẩm chất tốt hơn, giá bán rẻ hơn, đang vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, thay vì quảng bá cá da trơn nội địa như là một loài “cao cấp”, có giá trị cao, thì các chủ trại nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đã tiến hành một cuộc chiến lâu dài và quyết liệt nhằm bôi xấu loài cá tra Việt Nam. Hành động này bao gồm cả thông tin rằng cá tra được nuôi ở sông Mêkông, nguồn nước bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy nhiên, thực tế là cá tra hiện nay được nuôi trong các ao nuôi chuyên biệt và được cho ăn thức ăn viên.

Sau khi CFA thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật nhằm hạn chế sử dụng từ “catfish” thất bại trong việc làm giảm làn sóng nhập khẩu loài cá này, người nuôi cá da trơn Mỹ đã quyết định khởi động vụ kiện chống bán phá giá.

Đơn kiện của họ cho rằng các công ty ở Việt Nam, nơi có thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/5 của Mỹ, đang bao cấp cho những người giàu có ở Mỹ sử dụng cá da trơn. CFA đã cáo buộc rằng Chính phủ Việt Nam đã can thiệp quá sâu vào nền kinh tế do đó không thể đánh giá thực sự về chi phí của các nhà sản xuất của Việt Nam.

Thông qua các đại diện của Quốc hội, người nuôi cá da trơn ở các bang phía Nam đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tính toán chi phí nuôi cá da trơn ở Ấn Độ, phi lê và cấp đông tại các nhà máy giả định, và vận chuyển chúng trong những chiếc tàu giả định sang Mỹ. Đánh giá này dẫn đến kết luận rằng các nhà sản xuất Việt Nam được trợ cấp không công bằng và phải trả mức thuế 190%.

Thuế chống phá giá cho đến thời điểm này vẫn còn tồn tại nhưng mức thuế giữa các nhà sản xuất là khác nhau. Theo kết quả rà soát mới nhất, doanh nghiệp bị đơn bắt buộc (3 doanh nghiệp) bị áp mức thuế toàn quốc là 2,39 USD/kg do quyết định không tham gia đợt rà soát. Doanh nghiệp bị đơn tự nguyện (4 doanh nghiệp) nhận mức thuế suất riêng rẽ 0,69 USD/kg trong đợt rà soát POR11. Ngoài ra, có 2 công ty không nộp hồ sơ xin nhận thuế suất riêng rẽ nên cũng bị áp mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên toàn quốc sẽ chịu mức thuế 2,39 USD/kg.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ còn phải chịu một “khoản tiền ký quỹ” trong trường hợp bán phá giá được “phát hiện”, có thể lên đến 1 triệu USD (942.000 euro) và phải được trả trước cho Mỹ.